Đâu là việc khó nhất để duy trì và phát triển việc dệt thủ công?

Ngày đăng: 04/02/2023 08:33 PM

    Có lẽ đó là thế hệ tiếp nối. Là truyền nhân. Là người giữ nghề. Là người sẵn sàng học lại cách làm cũ để tiếp tục duy trì nó và tìm cách phát triển nó.... Thật lòng mà nói, Thong Bahnar rất sợ một ngày nào đó, tất cả những tấm thổ cẩm đẹp đẽ mà chúng tôi đang có sẽ là tấm cuối cùng, sẽ không ai làm lại được nữa. Một nền văn hóa đa dạng và vô giá sẽ bị lãng quên...

    Văn hóa thuở xưa của các dân tộc, con gái từ tấm bé đã được tiếp xúc và học dệt vải, đặng sau này lớn còn tự dệt vải để tặng gia đình chồng, làm của hồi môn, làm điểm cộng trong mắt chàng trai, làm minh chứng cho sự tài hoa, nết na, giỏi giang của người con gái trong buôn làng. Chuyện đó giờ thật sự đã quá cũ rồi, dù có là truyền thống đẹp. Ngày nay những nhóm thợ tôi đang làm việc, 90% vẫn là các bà già U50, U60, thậm chí là U70 luôn, nhưng các cô gái trẻ ngồi dệt thì thật hiếm hoi.

    Bởi thế mới nói, khôi phục nghề dệt cổ đã khó, thuyết phục thế hệ trẻ tiếp nghề và giữ nghề còn khó hơn vạn lần.

    Và trong chuỗi hành trình đi tìm lại đời sống cho vải dệt tay của các tộc bản địa Tây Nguyên, ngoài việc khôi phục việc dệt vải theo phương thức cổ, tôi cũng luôn băn khoăn đến việc truyền nghề cho thế hệ trẻ. Dù biết khó. Rất khó.

     

    Tôi phải công nhận, đời sống hiện đại có quá nhiều thứ hấp dẫn chúng ta. Các công việc thú vị khi được đi nhiều, làm việc với công nghệ mới... Sự mới mẻ ấy quá hấp dẫn không riêng gì ai. Bởi thế, khi đứng trước lựa chọn nghề nghiệp, thật dễ hiểu khi công việc dệt thủ công truyền thống không phải là 1 lựa chọn sáng giá.

    Thêm nữa, việc các tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay cũng đang sống và học tập xen lẫn với người Kinh, nên ít nhiều cũng cũng bị ảnh hưởng bởi lối sống của người Kinh. Từ việc xây dựng, trang trí nhà cửa, cách ăn uống, cho đến trang phục hàng ngày... Tất cả đều bị ảnh hưởng. Vậy nên ngày nay, việc được nhìn thấy nam nữ các tộc bản địa mặc trang phục của họ hàng ngày là chuyện quá hiếm. Trang phục truyền thống bản địa chỉ còn được nhìn thấy thông qua các lễ hội, các buổi trình diễn văn hóa.

    May mắn thay, hiện nay đã có 1 số các bạn nữ trẻ đã tự tin mặc lại trang phục truyền thống của mình. Các bạn sáng tạo kiểu dáng ngay trên chất liệu vải thổ cẩm để thành đầm dạ hội, đầm công sở, Áo dài... với đủ màu sắc hoa văn rực rỡ và cắt may khéo léo. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ sức thuyết phục các bạn nữ trẻ quay lại tìm hiểu và chuyên tâm học nghề dệt cổ từ các Mẹ các Bà của mình. Có quá nhiều điều chi phối và ảnh hưởng mà làm cho việc truyền nghề dệt từ các bà, các mẹ lại cho con gái, cháu gái trở nên khó khăn...

    Mỗi khi về làng để nhuộm và dệt vải cùng các Mẹ Bahnar, cũng như các Mẹ ở các tộc khác trên Tây Nguyên, tôi luôn cố gắng tìm kiếm các bạn nữ trẻ, giải thích rõ cho họ về sự quan trọng của việc tiếp nối nghề dệt, khuyến khích họ học dệt, sẵn sàng hỗ trợ họ tạo ra sản phẩm dệt chất lượng và tinh tế hơn; hướng dẫn họ cách để ứng dụng tấm vải dệt của họ lên nhiều sản phẩm mới... Để nghề dệt thủ công truyền thống không phải thất truyền khi đến đời họ, mà phải được phát triển mạnh mẽ hơn như đời sống hiện đại ngày nay vậy.

     

    Còn nhớ chuyến về với tộc Châu Mạ ở Đạ Hoai lần trước, cô gái trẻ người Châu Mạ đón tiếp tôi và dẫn tôi vừa thăm làng dệt và người Mẹ cần mẫn dệt của mình, em thú thật mình không biết dệt. Nhưng sau cả buổi chiều ngồi nghe cuộc trò chuyện giữa Mẹ cô và tôi, cô gái bắt đầu lân la hỏi thêm rất nhiều điều về việc dệt vải, đặc biệt là về chất liệu sợi và phương thức dệt cổ truyền thống mà tôi đang cùng làm với tộc Bahnar quê tôi. Mặc dù cô chưa từng được học dệt, nhưng từ việc cô chăm chú nghe cuộc trò chuyện, đâu đấy tôi cảm thấy được sự quan tâm của cô đến cái nghề cổ của tổ tiên tộc mình đang dần bị mất đi. Cho đến cuối buổi chiều hôm đó, trên đường đưa tôi quay trở ra đường lộ để bắt xe về, ngần ngại 1 chút...nhưng cô cũng đã "đáp lại tình tôi": "chắc em sẽ quay về học dệt với Mẹ đó anh ơi".

    Ôi! Tôi không nghĩ là cuộc trò chuyện tư vấn ngắn của tôi lại thành công nhanh như vậy đâu. Cơ bản tôi nghĩ rằng sẽ có sự đắn đo suy nghĩ và cân nhắc thiệt hơn rất lâu, thì mới quyết định được. Nhưng lúc này, cô đã hiểu được sự cần thiết phải duy trì nghề cổ của tổ tiên mình.

    Một lần nữa, hành trình khôi phục và phát triển việc dệt vải truyền thống của mình, Thong Bahnar sẽ cố gắng hết sức để xây dựng đội ngũ thợ dệt trẻ. Chỉ cần còn người dệt thì việc dệt vải sẽ mãi còn.

    Zalo
    Hotline