Đàn Ông Đan Lát, Đàn Bà Dệt Vải... Có Gì Liên Quan Với Nhau?

Ngày đăng: 01/09/2022 11:30 AM

    Thong Bahnar có 1 thói quen, là đi đến bất cứ nơi đâu trên khắp vùng Tây Nguyên cũng đều tìm đến các nhóm tộc người bản địa để hỏi thăm về nghề đan lát và dệt vải cổ. Phố thị thực sự không thu hút được tôi, chỉ có cảnh vật đơn sơ nơi núi rừng và những con người sống đơn giản nơi đó mới níu giữ được chân tôi.

    Họ sống đơn giản vậy nhưng tâm hồn thì lại bay bổng lắm nha, và cũng lắm người tài giỏi lắm đó. Tôi đã từng đặt câu hỏi thế này: "công việc dệt vải cổ của người phụ nữ và việc đan lát của người đàn ông của các tộc ít người có liên quan gì đến nhau không?". Mới nghe đến 2 công việc đat lát và dệt vải thì sẽ nghĩ ngay rằng 2 việc đó chả có liên quan gì đến nhau cả phải không. Nhưng với Thong Bahnar thì lại thấy có liên quan đấy.

    Này nha, kể mọi người nghe về chuyến làm việc với tộc S'tiêng hôm đầu tháng của ThongBahnar. Chúng tôi cùng #HQCBM - Hội Quán Các Bà Mẹ về Bình Phước để trao dê cho một số hộ nghèo; cùng tặng cặp, sách, vở... cho các em nhỏ tộc S'Tiêng nghèo không có điều kiện đi học; và kết hợp luôn với việc hỗ trợ sinh kế, khôi phục và giữ nghề dệt vải cổ truyền cho chị em phụ nữ tộc S'Tiêng nơi đây. Trước đó, với sự hỗ trợ của 1 số mạnh thường quân, chúng tôi đã được tài trợ cho kinh phí để phục dựng lại 5 khung se sợi cho 5 chị trong tổ dệt muốn học lại cách làm ra 1 tấm vải dệt truyền thống cổ xưa của tộc mình. Các chị đã biết cách dệt, nhưng chỉ là cách sử dụng sợi công nghiệp có sẵn mua ngoài cửa hàng về căng lên mà dệt thôi, còn cách thức để trồng bông vải, thu hoạch bông, tách hạt, se sợi kéo sợi, nhuộm sợi... đúng với quy trình cổ xưa thì chưa bao giờ được thấy, nên cũng không biết cách để mà làm.

    Chúng tôi thấy được điều đó, nên đã lặn lội tìm khắp nơi xem còn nhà nào còn giữ lại được các "máy" xe sợi kéo sợi thủ công không. Sự thật đáng buồn là không còn 1 ai hay nhà nào còn giữ được cả. May thay lại tìm được 1 đôi vợ chồng già, bà thì vẫn còn chăm dệt và đặc biệt là còn trồng 1 cây bông vải sau nhà, đến mùa ra hoa, bà cũng thu hái hết, bỏ gùi cất giữ, đợi cho được nhiều nhiều rồi thì quay kéo sợi sau. Thế nên gần như bà là người duy nhất trong làng còn biết và nhớ cách làm sợi được kéo từ bông vải trồng tự nhiên.

    Còn chồng bà thì khác, ông khá khéo tay trong công việc vót tre,làm nan để đan Gùi, đan giỏ... Khi hỏi ông, "ông có biết và nhớ cách làm ra cái máy quay kéo sợi bông không?". Chả cần suy nghĩ chi cho lâu, ông đáp lời ngay: "Hồi trẻ mình làm hoài, giờ thì không làm nữa rồi, vì còn trồng bông nữa đâu mà có bông để kéo sợi. Người ta trồng Điều, trồng cao su hết cả rồi. Nhưng nếu muốn, mình có thể làm lại được cái đó, mình nhớ". Biết đã tìm đúng địa chỉ, chúng tôi mừng ran trong lòng, nhưng cũng chưa chắn chắn lắm, vì mấy chục năm rồi mà, chắc gì ông nhớ mà làm lại chính xác được. Nhưng cũng đánh liều đặt ông làm lại cho 5 cái, và hẹn ngày quay lại, đem bông vải lên quay kéo sợi thử nghiệm luôn.

    Và chuyến trở lại hôm đầu tháng là chúng tôi ôm đồ lên để thử nghiệm các máy quay kéo sợi của ông cùng bông vải vừa mới tách hạt xong của tôi đem lên để kéo sợi thử.

    Chuyến xe sáng đi đúng ngày mưa, nên lên đến nơi thì cũng đã giữa trưa rồi, nhưng chúng tôi vẫn háo hức và hồi hộp muốn được kiểm nghiệm ngay những chiếc máy nhỏ của ông. Vào đến sân nhà, vừa thấy những cái máy quay sợi nhỏ được đẽo từ gỗ và mấy thanh nan tre gắn kết lại mà thành, tôi như bắt được vàng, đúng là nó rồi, chưa cần thử kéo bông thì tôi đã biết chắc chắn rằng nó sẽ hiệu quả. Vì ở tộc Bahnar nhóm của tôi cũng có cái tương tự như vậy. Tôi mừng là vậy, và cũng bắt đầu lôi túi bông mình đem theo ra cho bà kéo thử.

    Ôi chao, bà tuy đã lớn tuổi, nhưng tay bà vẫn còn thoăn thoắt lắm, mấy cô gái trẻ ngồi vây quanh xem bà làm mà học cách cũng chưa chắc làm khéo được như bà đâu. Bà bốc từng nhúm bông nhỏ, vê nhẹ vào cần quay, rồi vừa quay bánh xe hình cầu, vừa kéo nhẹ nhúm bông ra xa dần trục bông, các sợi bông như tự nhiên kết lại với nhau thành sợi dài dài rồi quấn lại trong trục quay. Những chỗ bông kéo chưa đều, bà ngừng lại chút xíu, dùng 2 ngón tay vê vê nhẹ nhàng, cái sợi bông cứ thế mà dài mãi dài mãi và đều tăm tắp. Đợi bà làm 1 hồi cho được nhiều, rồi tôi mới lấy ra bó bông sợi tôi đã làm sẵn để so sánh với sợi bà mới làm. Cả 2 đều như nhau. Vậy là bông vải tôi đem theo, cái máy quay kéo sợi ông lão làm, và cách bà lão kéo bông thành sợi, tất cả đã hoàn thiện đúng như mong đợi bấy lâu. Và khả năng khôi phục lại nghề trồng bông, làm sợi dệt vải cổ có thể khôi phục lại được rồi.

    Và chứng minh thêm được điều rằng, nghề đan lát và nghề dệt vải cổ của các tộc thiểu số có sự liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu không có bàn tay khéo léo của người đàn ông để đẽo gỗ, vót nan tre để làm máy quay kéo sợi, hay đẽo gỗ vót lồ ô làm khung dệt vải, thì người phụ nữ đâu có dụng cụ để mà dệt nên những tấm vải đặc sắc đâu phải không nào.

    Văn hóa có sự đan xen, hỗ trợ nhau thật sự khắng khít. Giữ được nghề này sẽ cứu nghề kia. Như trong mối quan hệ lòng vòng này, chỉ vì cây bông không còn nên người thợ đan lát không còn tạo ra máy xe sợi nữa, hết bông người phụ nữ đâu còn dệt vải bằng sợi bông. Thế là một sản phẩm truyền thống đẹp và đắt giá cũng đi vào dĩ vãng. Vì thế, việc tìm ra mối liên kết giữa các công đoạn thủ công, các nghề thủ công này giúp tôi lần mò ra cái gốc thật sự của hành trình khôi phục nghề dệt truyền thống: ĐÓ LÀ NGUYÊN LIỆU TỰ NHIÊN, ở đây chính là SỢI BÔNG TỰ NHIÊN.

    Zalo
    Hotline